Bạn ấy bị bạo lực gia đình. Em nhớ là năm ấy bạn lớp 2 cũng là độ tuổi tiểu học còn quậy phá và hay nghịch. Nhiều lần khi phạm lỗi, bạn đã bị bố mẹ đánh bằng roi mây, để lại sẹo trên người. Bạn ấy bị đánh quen rồi nên cảm giác bị nhờn, vẫn cứ nghịch phá. Đỉnh điểm một lần bạn ấy lấy đồ rửa chén nghịch trong gàu nước rồi bị ba đánh nhiều lắm. Cô giáo phát hiện bạn có ba vết sẹo rướm máu ở cổ áo sơ mi. Cô đưa bạn lên y tế khám rồi đưa về gia đình giải quyết. Hồi xưa mẹ bạn ấy trẻ nghĩ rằng roi vọt sẽ dạy được con. Nhưng sau vụ này thì ba mẹ bạn ấy thay đổi, còn suy nghĩ của bạn thì em không biết thế nào. Nhưng em nghĩ là bạn đã rất đau. Nếu là em thì em không chịu được. Em thấy xót và thương bạn. Mỗi lần bị đánh bạn luôn đứng im khoanh tay và không phản ứng. Lúc đó còn nhỏ thì mình không nhận thức được để báo với thầy cô, chỉ biết đứng nhìn bạn cam chịu.
Chuyện của Xám, 16 tuổi
“Em chia sẻ về câu chuyện của bạn em bị bố mẹ đánh khi bạn còn nhỏ, em biết điều đó thường xuyên xảy ra với bạn em nhưng lúc đó em đã không nhận thức được để báo thầy cô và chỉ biết đứng nhìn bạn cam chịu. Và bây giờ khi em nghĩ lại điều đó em đang cảm thấy tự trách mình, ở độ tuổi của em lúc đó việc nhận thức được để bảo vệ bạn mình là một điều không hề dễ dàng. Chắc rằng người bạn sẽ rất vui khi biết được tình cảm em dành cho bạn”.
“Khi ngôn từ bất lực thì bạo lực mới có thể lên ngôi, nếu như bố mẹ đã bất lực trong việc giáo dục con cái một cách tích cực vậy thì bố mẹ còn trông mong gì ở đứa trẻ này có thể làm được chứ?. Con sẽ học được thói quen, tính cách và cách cư xử của bố mẹ với mọi thứ mà thôi”