Cyberbullying là gì? Làm thế nào để bạn bảo vệ bản thân mình?

Cyberbullying (bắt nạt ảo hay bắt nạt trực tuyến) là một thuật ngữ được nhắc đến trong nhiều năm trở lại đây, dùng để chỉ các hành vi sử dụng nền tảng xã hội trực tuyến (Email, Facebook, Instagram, Twittwer…), nền tảng game online, và/hoặc thiết bị điện tử (điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng) để lan truyền các thông tin và/hoặc hình ảnh cá nhân không thích đáng, nhằm gây hại hoặc gây tổn thương đến người khác.

Bất kì ai cũng có thể là đối tượng của bắt nạt trực tuyến. Tuy nhiên, tại trường học, trẻ gái có xu hướng bị bắt nạt nhiều hơn trẻ em trai. Những người có vấn đề về bệnh lý cơ thể/ sức khỏe tâm thần/ hoặc khuyết tật bẩm sinh, người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, có thành tích học tập kém có nguy cơ bị bắt nạt nhiều hơn.

Khác với các hình thức bắt nạt truyền thống (traditional bullying), bắt nạt ảo hay bắt nạt trực tuyến thường khó nhận diện hơn. Nếu ở bắt nạt truyền thống, người bị bắt nạt biết ai là người bắt nạt thì ở bắt nạt trực tuyến, người bắt nạt có thể sử dụng các thiết bị ẩn danh. Vì vậy, người bị bắt nạt thường không biết người gửi những nội dung không thích đáng, đồng thời cũng không biết tại sao bản thân trở thành đối tượng bị bắt nạt. Thêm vào đó, do sử dụng các nền tảng trực tuyến, các nội dung liên quan đến người bị bắt nạt rất dễ lan truyền đến một nhóm lớn (lớp học, trường học, cộng đồng diễn đàn chung …), do đó làm gia tăng các ảnh hưởng tiêu cực. Giống như một bệnh lý thông thường khác, bắt nạt ảo hay bắt nạt trực tuyến để lại những hậu quả rất khó lường: 

        Về tinh thần: người bị bắt nạt thường trải qua cảm giác không an toàn, buồn chán, cô đơn, cảm thấy mất tự tin vào bản thân. Một số người có thể xuất hiện các triệu chứng của trầm cảm, lo âu, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hành vi, hoặc các vấn đề về mặt cơ thể như đau đầu, đau bụng …. Một số thậm chí có thể nghĩ đến tự tử.

       Về chất lượng cuộc sống và học tập: người bị bắt nạt có thể gặp khó khăn trong việc kết bạn, tham gia các hoạt động xã hội. Những người này thường xuyên lo lắng, sợ hãi do bị bắt nạt dẫn đến kém tập trung, kết quả học tập giảm sút, thậm chí né tránh đến trường hoặc bỏ học. 

 

Một hành vi có thể được xem là bắt nạt trực tuyến nếu xuất hiện lặp đi lặp lại một cách không mong muốn với mục đích quấy rối, gây hại hoặc gây tổn thương cho người khác. Bắt nạt trực tuyến có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, không phải tất cả mọi hành vi bắt nạt đều được báo cáo. Một số hình thức bắt nat hay gặp bao gồm:

     Gửi các tin nhắn có nội dung độc hại, không phù hợp tới người khác qua email hoặc các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook messenger, Zalo, Twitter, Instagram… Nội dung tin nhắn có thể khác nhau từ bôi nhọ, làm nhục, xúc phạm, đe dọa cho đến quấy rối tình cảm hoặc tình dục. 

       Gửi hoặc chia sẻ, lan truyền các thông tin, hình ảnh riêng tư của cá nhân đến một hoặc một nhóm người khác khi không được phép.

Đầu tiên, dù bạn có hay không là đối tượng bị bắt nạt, bạn nên cẩn trọng với những thông tin cá nhân xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Sử dụng chế độ cài đặt riêng tư để quyết định ai là người có thể xem các thông tin cá nhân hoặc nội dung chia sẻ của bạn, ai là người có quyền trả lời và tương tác với bạn thông qua các nền tảng trực tuyến đó. Nếu bạn nghi ngờ về sự xuất hiện của một hành vi không thích đáng nào đó tới tài khoản của bạn, hãy chụp ảnh hoặc lưu lại bằng chứng (nếu có thể), đồng thời sử dụng chức năng báo cáo để thông tin tới nhà quản lý của nền tảng đó.

Xây dựng mối quan hệ đồng cảm và chia sẻ với người mà bạn tin tưởng (cha mẹ, thầy cô, bạn bè…). Nếu bạn là đối tượng bị bắt nạt hoặc nghi ngờ mình đang chịu đựng một trong những hình thức bắt nạt kể trên, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người này. Xin nhớ, việc bạn lo lắng về chuyện bị bắt nạt là chuyện hoàn toàn bình thường, bạn thậm chí có thể lo lắng rằng việc báo cáo tình trạng đó với một người thứ ba sẽ khiến bạn bị bắt nạt nhiều hơn; tuy nhiên, bạn không thể giải quyết vấn đề một mình. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác khi bạn đã hoặc có thể là một đối tượng bị bắt nạt sẽ giúp bạn tránh bị bắt nạt kéo dài, đồng thời tránh được những hậu quả không đáng có do bắt nạt trực tuyến gây ra. 

Nếu bạn không phải là đối tượng bị bắt nạt nhưng biết hoặc chứng kiến một ai đó (có thể là bạn của bạn hoặc không) bị bắt nạt trực tuyến, bạn nên nói chuyện với người đó, giúp họ ngăn chặn tình trạng bị bắt nạt (giúp khóa tài khoản, giúp báo cáo đến nhà quản lý hoặc cung cấp).

Trước hết, cha mẹ cần dành thời gian để chia sẻ với con cái về những lợi ích và nguy cơ của việc sử dụng mạng xã hội. Bạn không cần phải theo dõi hay truy cập vào tài khoản riêng tư của con cái bạn, tuy nhiên bạn cần nắm được những nền tảng mạng xã hội nào con bạn đang sử dụng, thường xuyên trò chuyện với chúng để chắc chắn rằng con bạn vẫn cảm thấy an toàn trên các nên tảng trực tuyến đó. Khi bạn thấy con bạn bắt đầu có dấu hiệu cảm thấy không an toàn hoặc nghi ngờ rằng chúng đang bị bắt nạt, đừng ngần ngại nói chuyện với chúng để cùng tìm giải pháp phù hợp. Điều này là rất quan trọng vì đôi khi, con cái của bạn có thể cảm thấy không an toàn và không sẵn sàng chia sẻ những gì mà chúng đang trải qua trên mạng xã hội. Nếu vấn đề bị bắt nạt có liên quan đến một cá nhân hoặc tập thể ở trường học, bạn có thể liên lạc với giáo viên hoặc cán bộ quản lý tại đó để được giúp đỡ.

Bình luận (2)

Để lại bình luận