Gia đình bất hạnh từ “máu đỏ đen” của bố
Sinh ra là con út trong gia đình có bố làm công nhân, mẹ làm kế toán, có nhà cửa ổn định tại một vùng quê của tỉnh Phú Thọ, những tưởng cuộc sống của gia đình Nguyễn Ngọc P. sẽ đầy ắp tiếng cười, ấy vậy mà trong ngôi nhà nhỏ đó lại liên tiếp có những trận “sóng dữ”, chẳng mấy khi P. có cảm giác được bình yên.
Trước kia, bố của P. là một người công nhân chăm chỉ, tu chí làm ăn. Thế nhưng do bị bạn bè rủ rê nên dần xa đà vào lô đề đỏ đen, rồi đến độ nghiện chẳng thể dứt ra được. Tiền kiếm được của một công nhân cũng chẳng nhiều nhặn gì những ông cũng sẵn sàng bỏ hết từng đó tiền để nuôi ảo tưởng làm giàu từ trò chơi đỏ đen.
P. kể lại: “Bố chơi lô đề mê mẩn đến nỗi, những tở lịch treo tường giờ đây kín mít những con số, chẳng biết để làm gì. Chỉ thấy ông ghi ghi, chép chép hết tờ này sang tờ khác. Ngày mất nhiều hơn ngày được, những thứ đồ dùng giá trị trong nhà dần bị bố đem ra bán sạch, hồi em còn bé chiếc ti vi là thứ quý giá nhất trong nhà cũng bị bố mang đi bán, em và anh trai khóc hết nước mắt nhưng cũng chẳng thay đổi được gì”.
Như bị thôi miên bởi “con ma lô đề” bố em đi tối ngày chẳng giúp đỡ việc gì trong nhà. Bốn miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương ít ỏi của mẹ.
Cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn, bữa cơm cũng đạm bạc chỉ có cơm trắng với rau xanh ăn cho qua ngày. Nhưng với cái tôi gia trưởng chẳng chịu kém phần ai, bố em mỗi lần ngồi vào mâm cơm là lại mượn rượu để buông lời đay nghiến, mắng mỏ vì bữa cơm chẳng có chút thức ăn gì, sau mỗi lần như thế là những lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với mẹ. Chiếc mâm cơm giờ cũng chẳng còn được gọi là chiếc mâm nữa vì nó méo mó, cong vênh sau mỗi lần bố em nổi khùng.
Người xưa có câu “Đói quanh năm, no ba ngày Tết” ấy thế mà chẳng có cái Tết nào là được chọn vẹn, đến cận ngày 30 Tết mẹ chỉ chuẩn bị được nải chuối xanh thắp hương và chút bánh kẹo cân để tiếp khách. Ngồi bên hiên nhà ngóng sang nồi bánh chưng nhà hàng xóm, P. chỉ mong ước rằng có cặp bánh chưng con để cầm tay ra đùa vui với chúng bạn là đã vui lắm rồi, thế nhưng cơm ăn hàng ngày còn chạy vạy xoay xở khắp nơi sao em có thế mong giờ điều đối với em là kì diệu.
Những trận bạo hành thừa sống thiếu chết
Trước mặt con, người bố vẫn thản nhiên đánh đập thậm tệ người vợ của mình. Mặc cho hàng xóm, chính quyền nhiều lần hòa giải nhưng chỉ được một thời gian, tình trạng bạo hành trong gia đình lại quay trở lại như cũ.
“Lần đó bố cầm chiếc chậu sắt đập vào đầu mẹ, cứ thế đánh rồi dồn mẹ vào góc tường, em lúc đó chỉ độ 3 – 4 tuổi chỉ biết lao vào lôi bố ra thì bị bố hất ngã, đầu mẹ chảy máu, tay chân tím ngắt cũng chỉ biết lấy lọ dầu gió bôi chứ cũng chẳng đi viện. Nhiều đêm mẹ bị đánh, 3 mẹ con phải bỏ trốn ra khỏi nhà, ngày giữa đêm mưa quần áo ướt hết, chạy sang nhà người quen ở nhờ đến vài ngày rồi mới dám về nhà”.
Không có tiền tiêu… bị đánh, nhà không có gì ăn… bị đánh, khách đến nhà ít thức ăn… bị đánh…,muôn vàn ý do như thế được bố em đưa ra như là cái cớ để bạo hành, 2 đến 3 ngày là mẹ em lại bị bố đánh cũng chỉ vì những câu chuyện nhỏ chẳng đáng để tâm.
Sau những lần như vậy, không khí trong gia đình luôn trở nên nặng nề, nhiều lúc P. bảo mẹ, “Sao mẹ không bỏ bố?” mẹ chỉ khóc và nói rằng “Mẹ bỏ bố thì ai nuôi các con, ai chăm cho các con”
“Nhà em có 4 người gồm bố, mẹ và hai anh em. Bố em làm công nhân, mẹ em làm kế toán, mọi người chung sống với nhau rất hạnh phúc. Em rất yêu quý gia đình của em”. Đó là đoạn văn của P. viết về gia đình em trong những năm em học cấp 1. Dấu đi hiện thực đau lòng về gia đình mình, em tô vẽ, ước mong rồi một ngày kia gia đình mình sẽ được như vậy.
Thế rồi năm 2011, bố em bất ngờ mất do căn bệnh về ung thư. Giờ đây chỉ còn mẹ P. lại càng yêu thương mẹ nhiều hơn, thương mẹ do mất sức mà phải nghỉ hưu sớm, anh em Phú đều cần cù giúp mẹ việc nhà, chăm lo học tập. Thành tích của P. như món quà khỏa lấp đi những kí ức đau buồn, em đạt học sinh giỏi suốt 12 năm học và thi đỗ vào một trường Đại học tại Hà Nội.
Cậu chuyện của gia đình em Nguyễn Ngọc P. chỉ là một trong hàng trăm nghìn trường hợp phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình tại Việt Nam. Nhiều phụ nữ vẫn còn nặng tư tưởng “Chuyện riêng của mỗi gia đình” hay “Xấu chàng hổ ai”, chính vì vậy chính quyền các cấp nhiều lúc cũng chưa thể vào cuộc dù đã có luật.
Hay lắm
Câu chuyện không của riêng ai…