Báo động nạn bạo lực học đường

Thời gian vừa qua, nhiều sự việc học sinh đánh nhau ngay trong lớp học, đánh nhau hội đồng, thậm chí đâm chém nhau sau giờ học lại dấy lên nhiều lo ngại rất đáng báo động về văn hoá ứng xử của học sinh và nạn bạo lực học đường. Trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng: Đây là một biểu hiện của thoái hóa đạo đức trong các nhà trường cần phải lên án và phải kiên quyết xử lý.

Biểu hiện của thoái hoá đạo đức

Vừa qua, trên địa bàn xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái xảy ra vụ hai học sinh mâu thuẫn dùng dao nhọn đâm bạn cùng trường. Theo đó, vào khoảng 11h45 phút ngày 20.3, hai học sinh Nguyễn Minh Đ. (SN 2006) lớp 9C và Nguyễn Minh P. (SN 2007) đều là học sinh Trường Trung học cơ sở Hưng Khánh, trong khi tan học đang chờ xe đưa đón ở cổng trường về nhà thì xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Nguyễn Minh Đ. rút dao để sẵn trong túi quần đâm Nguyễn Minh P. vào ổ bụng bên dưới phía bên trái.

Trước đó, vào giữa tháng 3.2021, trên mạng xã hội xuất hiện một clip dài 5 phút ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị bạn đánh ngay trong lớp học. Sự việc được xác nhận xảy ra tại trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, TPHCM. Còn tại Hà Nội, xuất phát do mâu thuẫn liên quan tin nhắn trên mạng xã hội, một nữ sinh Trường THCS Sen Phương (huyện Phúc Thọ, HN) bị đánh hội đồng và tung lên mạng xã hội. Trường hợp một nữ sinh THCS bị nhóm học sinh khác đánh “hội đồng” cũng diễn ra tại quận Hồng Bàng, Hải Phòng ngay đầu tháng 3. Những sự việc này khiến rất nhiều phụ huynh lo lắng về văn hoá ứng xử của học sinh trong nhà trường. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng GS.TS. Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm Lý – Giáo dục Việt Nam

.

 

Thưa GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, thời gian vừa qua, ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc học sinh cấp 2, cấp 3 đánh nhau, học sinh đánh nhau hội đồng… và sau đó tung clip lên mạng xã hội. Ông có thể phân tích rõ hơn hiện tượng này?

– Đúng là có các hiện tượng trên, mặc dầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng, các nhà trường đã có nhiều biện pháp nhưng không giảm, thậm chí trong một mức độ nào đó lại có vẻ như tăng thêm.

Đây là một biểu hiện của thoái hóa đạo đức trong các nhà trường cần phải lên án và phải kiên quyết xử lý. Lỗi trước tiên là ở các nhà trường, gia đình và sau nữa là trách nhiệm của toàn xã hội.

Rất nhiều vụ việc đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ, đôi khi chỉ là những mâu thuẫn qua mạng xã hội? Vì sao vậy?

– Ở tuổi dậy thì, chuyện xảy ra như thế do nhiều lý do khác nhau liên quan đến đặc trưng khác biệt về tâm lý của lứa tuổi này (muốn nổi trội, muốn được người khác quan tâm, càng nhiều người biết càng thích, không cần việc đó tốt hay dở; muốn khẳng định mình.v.v..). Một điểm nữa phải nói đến là cuộc sống xã hội hiện tại rất sôi động, ngày càng hối hả lôi cuốn các con người lao vào các sự kiện khác nhau. Người lớn thì còn suy nghĩ, hành động có cân nhắc, nhưng lớp tuổi trẻ thì không như thế. Nhiều học sinh trái ý mình là có thể nổi khùng, ẩu đả nhau luôn, mặc dầu chỉ là chuyện rất nhỏ.

Nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau của học sinh thời gian qua dấy lên nhiều lo ngại về nạn bạo lực học đường. Ảnh cắt từ clip.
Nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau của học sinh thời gian qua dấy lên nhiều lo ngại về nạn bạo lực học đường. Ảnh cắt từ clip.

Vấn đề là các lực lượng nhà trường, gia đình, và cả xã hội phải ra tay, lao vào ngăn chặn, thực hiện các biện pháp mạnh để điều chỉnh hành vi của lớp trẻ đi cho đúng hướng. Tôi nói là “ra tay, lao vào, biện pháp mạnh” là có ý riêng của nó. Ta không trách trẻ, nhưng ta phải có trách nhiệm, phải quyết liệt làm trên cơ sở luật pháp đã có.

Thưa ông, nhiều phụ huynh lo lắng và quan ngại về nạn bạo lực học đường và văn hoá ứng xử của học sinh hiện nay? Quan điểm của ông về việc này?

– Phụ huynh lo lắng là đúng. Vậy thì các bậc phụ huynh hãy ra tay giáo dục, ngăn chặn hành vi sai trái của con em mình đi, hay là bỏ qua, cho là việc bình thường, đôi khi còn khích lệ cho rằng con mình “giỏi”, “khỏe”, có khi còn khoe với bạn bè là con mình không sợ người khác bắt nạt.

Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp kéo bè, kéo cánh đánh bạn

Vậy vai trò và trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm trong việc giáo dục cách ứng xử của học sinh, thưa ông?

– Điều 82 Luật Giáo dục có nói, cha mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm nuôi dưỡng giáo dục con cái làm tốt nhiệm vụ của người học là: “Tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục; đoàn kết giúp đỡ nhau trong học tập và rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục, chấp hành quy định của pháp luật”. Điều 83 của Luật chỉ rõ quyền của người học “Được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh”. Như thế, học sinh nào đánh bạn, chủ động gây ra mất an toàn cho người khác thì đó là vi phạm luật pháp và phải xử lý.

Với giáo viên chủ nhiệm, điều 69 của Luật Giáo dục chỉ rõ, giáo viên phải “bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học”. Bởi vậy, việc đánh bạn, kéo bè kéo cánh, gây thương tích cho bạn thì đó là người phạm pháp. Cả các bậc phụ huynh và giáo viên phải hiểu rõ và thực hiện nghiêm các điều khoản của Luật, đồng thời phải nhắc nhở con em mình có trách nhiệm thực hiện đúng Luật.

Để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như vừa qua trong trường học, theo ông cần phải xử lý học sinh vi phạm như thế nào với các trường hợp bạo lực học đường?

– Nếu để xảy ra bạo lực trong các nhà trường thì Nhà trường và các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm, theo luật pháp. Trong điều kiện hiện nay, phải xử lý thật nặng, không có vùng cấm. Em nào cứ mắc đi mắc lại tội kéo bè kéo cánh đánh bạn, cần thiết phải đuổi học.

Nếu vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì phải đưa các em này vào các trại giáo dưỡng. Chúng ta không sợ xử phạt nặng thì hỏng mất một con người. Có khi việc xử phạt nặng lại là liều thuốc mạnh làm cho các học sinh này tỉnh ngộ, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Có phải chúng ta đang đặt nặng vấn đề giáo dục kiến thức cơ bản quá mà không chú trọng và đầu tư đúng mức vào việc giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống cho học sinh, thưa ông?

– Công bằng mà nói, chúng ta, bao gồm cả Nhà trường, Gia đình và toàn Xã hội, còn chưa quan tâm đầy đủ việc giáo dục đạo đức cho các học sinh của mình. Điều 89 của Luật Giáo dục ghi rõ Nhà trường phải có trách nhiệm “Bảo đảm an toàn cho người dạy và người học”.

Khi việc xảy ra thì giải quyết lại không nghiêm, không công bằng, thiếu kiên quyết. Số các học sinh hay gây gổ trong lớp, đạo đức kém phải nói là số ít, nhưng các Nhà trường đã giải quyết không triệt để nên đã dẫn đến sự việc trên.

Xin cảm ơn GS.TS Nguyễn Ngọc Phú!

Bình luận (1)

Để lại bình luận